Dán tem cây xăng, chống trốn thuế: Bộc lộ những kẽ hở

 01:54 CH @ Thứ Ba - 17 Tháng Tư, 2018

Từ cuối năm 2016 đến nay, việc dán tem cho cây xăng đã hạn chế phần nào gian lận trong đo đếm, dẫn đến gian lận thuế - vốn là vấn nạn nhức nhối. Nhưng, thực tế triển khai giải pháp này vẫn còn không ít lỗ hổng…

BCĐ 3675 dán tem niêm phong đồng hồ đếm tổng cột đo xăng dầu tại một cửa hàng xăng dầu ở Quy Nhơn

Ông Đào Hữu Phúc, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh - Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện đề án dán tem niêm phong đồng hồ đếm tổng các cột đo xăng dầu trên địa bàn tỉnh (sau đây gọi tắt là BCĐ 3675), cho biết với việc dán tem cây xăng cơ quan thuế sẽ kiểm tra được lượng xăng dầu bán ra có phù hợp với lượng hàng nhập vào hay không.

Tính đến 31.12.2017, đã dán tem niêm phong tại 270 cửa hàng bán lẻ (1.049 cột đo) của 154 DN kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh. Sau hơn 1 năm, sản lượng xăng dầu tiêu thụ và số thuế bảo vệ môi trường tăng rõ rệt; tổng số thuế phát sinh nộp ngân sách tăng 9,3% so cùng kỳ (58,2 tỉ đồng), trong đó thuế bảo vệ môi trường tăng 10,3% (56,2 tỉ đồng).

Đối phó với “con tem”

Một trong những vấn đề liên quan đến thu ngân sách được Giám đốc Sở Tài chính Lê Hoàng Nghi báo cáo tại Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Tỉnh ủy khóa XIX tổ chức đầu tháng 4 này là thuế bảo vệ môi trường thực hiện qua dán tem niêm phong đồng hồ đếm tổng các cột đo xăng dầu tăng rất tốt, vượt dự toán được giao. Nhưng, cũng đồng thời xuất hiện tình trạng cơ sở kinh doanh xăng dầu đối phó với… con tem!

Thông tin từ BCĐ 3675, chỉ riêng năm 2017 có đến 124 cột đo xăng dầu phải mở niêm phong để dán lại. Hiện tượng đồng hồ đếm tổng đã được dán niêm phong không chạy khi trụ bơm vẫn hoạt động, nhưng DN không báo cáo, hoặc cố tình tác động vào để bán xăng dầu không có nguồn gốc. Rà soát, đối chiếu giữa số liệu xăng dầu tiêu thụ các trụ bơm với sổ sách kế toán và kê khai thuế giá trị gia tăng của DN, cơ quan thuế cũng đồng thời phát hiện 4 DN mua bán xăng dầu ngoài hệ thống phân phối vi phạm quy định; xử lý 1 DN chênh lệch sản lượng tiêu thụ trên sổ sách và kê khai thuế không đúng với số phản ánh trên đồng hồ đếm tổng.

Theo ông Phúc, lực lượng thực hiện dán tem của Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng tỉnh (Sở KH&CN) hiện rất mỏng, dẫn đến việc tháo và dán lại, dán tem bổ sung đối với một số cửa hàng không kịp thời. “Đây cũng là “kẽ hở” để DN gian lận bán ra lượng xăng dầu không có nguồn gốc khi đồng hồ công tơ tổng không hoạt động. Trong khi đó, việc kiểm tra hồ sơ đề nghị tháo tem niêm phong để sửa chữa cột đo bị hư hỏng chưa được cán bộ chi cục thuế chú trọng kiểm tra nguyên nhân, hồ sơ”, ông Phúc nhận định.

Mặt khác, hoạt động mua bán xăng dầu “lậu” diễn ra phức tạp với nhiều hình thức như mua bán thẳng (không qua bồn chứa đã đăng ký) cho các đối tượng sử dụng không cần lấy hóa đơn, hoặc đổ vào bồn nhưng tác động vào đồng hồ đếm tổng để không chạy, chạy không chính xác; trong khi công tác kiểm tra xử lý trên khâu lưu thông của cơ quan chức năng chưa được đẩy mạnh. Theo Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, đến hết năm 2017 chỉ phát hiện, xử lý được 2 vụ việc.

Tăng cường kiểm tra, giám sát

Trên thực tế, thông tin DN đối phó với “con tem” dán trên các cột đo xăng dầu không phải là mới; bởi ngay trong năm 2017 đã có báo cáo của một số Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng trong cả nước phản ảnh về phương pháp dán tem chống thất thu thuế dễ dàng bị vô hiệu bộ đếm tổng, hoặc can thiệp số liệu tổng.

Điều đó cho thấy, cần nhiều giải pháp linh hoạt, hiệu quả hơn nữa trong chống thất thu thuế hoạt động kinh doanh xăng dầu. Đây cũng là vấn đề cấp bách được đặt ra tại cuộc họp giữa Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Cao Thắng với BCĐ 3675 trung tuần tháng 4.2018. Theo đó, 2 vấn đề quan trọng Cục Thuế tỉnh thực hiện là chủ trì, phối hợp Sở Công thương, các đơn vị liên quan đề xuất giải pháp đồng bộ chống thất thu trong hoạt động kinh doanh xăng dầu. Có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế xem xét, ban hành các quy định về hóa đơn bán hàng và xây dựng phần mềm quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu để quản lý mặt hàng, sản lượng, doanh thu, thuế giá trị gia tăng đầu ra ngay từ khi DN bán lẻ xăng dầu từ cột bơm, phù hợp với Thông tư 15/2015/TT-BKHCN của Bộ KH&CN.

“Sở KH&CN cũng sẽ chủ trì tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Bộ KH&CN bổ sung quy định kiểm định cột đo xăng dầu bao gồm cả việc kiểm định hoạt động của đồng hồ đếm tổng và dán tem niêm phong để thống nhất quản lý”, Phó Giám đốc Sở KH&CN Nguyễn Thị Kim Oanh chia sẻ.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Cao Thắng cũng nhấn mạnh yêu cầu các sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường phối hợp công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát. Đặc biệt, kiểm tra quản lý, bảo quản tem niêm phong và hoạt động của đồng hồ đếm tổng đã được dán tem, nhằm xử lý kịp thời các trường hợp đồng hồ bị hỏng nhưng DN không báo cáo, hoặc cố tình tác động.

“Đi vào giải pháp quản lý cụ thể của ngành thuế, các chi cục thuế địa phương kiểm tra chặt chẽ nguyên nhân đề nghị tháo tem niêm phong để sửa chữa cột đo, thay thế đồng hồ bị hỏng yêu cầu DN phải báo cáo bằng văn bản. Tăng cường công tác rà soát đối chiếu số liệu giữa hồ sơ kê khai, sổ sách kế toán với chỉ số đã chốt; chủ động phối hợp đội Quản lý thị trường kiểm tra quản lý, bảo quản tem niêm phong và hoạt động của đồng hồ đếm tổng trên cột đo đã niêm phong”, ông Phúc nhấn mạnh.

DN chốt chỉ số xăng dầu hằng tháng

Ông Trà Ngọc Hoàng, Phó Trưởng phòng Kiểm tra Thuế số 1 (Cục Thuế tỉnh) cho biết, đến thời điểm này, UBND tỉnh cũng đã điều chỉnh giảm tần suất chốt chỉ số đồng hồ đếm tổng định kỳ của ngành Thuế và Quản lý thị trường xuống còn 2 lần/năm (ngày 30.6 và 31.12). Việc chốt chỉ số hằng tháng do DN tự thực hiện và gửi báo cáo cho chi cục thuế địa bàn có cửa hàng bán lẻ xăng dầu.

Nguồn:  Thu Hiền
Báo Bình Định Online